Toán là môn học mà bất cứ ở trường nào cũng dạy. Nhưng không phải tất cả trẻ đều yêu toán. Và tỏ ra nhàm chán với môn học tự nhiên này. Phương pháp giáo dục toán tư duy FunMath sẽ giúp con yêu toán học hơn. Sau đây là các phương pháp mà đội ngũ chuyên viên của VCK sẽ giúp con của bạn yêu toán.
Contents
Làm Thế Nào Để Giúp Con Yêu Toán
Cách dạy và học theo kiểu truyền thống dễ gây căng thẳng cho người lớn và trẻ nhỏ. Vì dường như để bắt đầu tiếp cận với một kiến thức mới, chúng ta dễ bị chi phối bởi kết quả. Đặc biệt là với môn toán, khi phải đối mặt với sách vở, giáo trình, những con số, khái niệm khô khan trong một thời gian dài mà không tiến bộ, dễ gây ra cảm giác mệt mỏi, chán nản, dẫn đến tình trạng căng thẳng cho người dạy lẫn người học. Sự căng thẳng này làm mất đi sự hứng thú học toán của trẻ, nguy hiểm hơn có thể làm cho trẻ chán ghét và sợ môn toán.
Vai trò của chúng ta (phụ huynh và giáo viên) cần phải giới thiệu các khái niệm toán học một cách tự nhiên như một phần của cuộc sống, càng vui vẻ, càng kích thích sự hứng thú và khả năng ham thích khám phá, học hỏi của trẻ.
Mọi chủ đề toán học xuất hiện ở khắp nơi trong cuộc sống muôn màu của trẻ. Chúng ta có thể tận dụng điều này để giới thiệu, hướng dẫn, khơi gợi khả năng nhận biết, phản xạ tích cực và thích thú với môn toán từ khi trẻ còn rất nhỏ.
1. “Con tôi quá nhỏ!”
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ để bắt đầu học toán. Toán học chỉ là những con số, trẻ chưa thể tiếp thu được… Nếu bạn đang suy nghĩ như vậy thì vô tình bạn đã hạn chế khả năng nhận biết, cơ hội tiếp thu kiến thức từ cuộc sống xunh quanh của con bạn.
Toán học không chỉ là con số nhưng còn là màu sắc, hình dạng. Hãy hỏi trẻ “con đang mặc áo màu gì?”, “Hình này là hình gì nhỉ? Vuông hay tròn?”… Tùy theo độ tuổi của trẻ mà cách giới thiệu từ cơ bản, nâng cao và mở rộng dần dần. Nếu trẻ nhỏ, bạn chỉ cần giới thiệu các màu cơ bản (xanh, đỏ, vàng), hình cơ bản (tròn, vuông, tam giác). Mở rộng kiến thức hơn đối với những trẻ lớn hơn và liên hệ với những vật dụng xung quanh trẻ “Cái cặp của con màu gì?”, “Đồng hồ con đeo có dạng hình gì?”… Hãy trao cơ hội giúp con nhận biết toán học và bạn sẽ rất bất ngờ với những bạn nhỏ nhà mình.
Xem thêm những thắc mắc về phương pháp toán tư duy FunMath tại
2. Toán học và học toán ở mọi nơi
Nếu bạn đang ở nhà, đang trong siêu thị, đang trên đường đưa – đón trẻ đi học… hãy biến nơi bạn và trẻ đang hiện diện thành một môi trường học toán đầy niềm vui và thú vị.
Bạn thưởng cho con bao nhiêu viên kẹo, con có mấy cây bút màu, liệt kê các thành viên trong gia đình, lấy búp bê, elsa, spiderman, batman… ra đếm xem con giàu có thế nào với khối “tài sản” kết xù…
Chỉ cho trẻ nhận biết con số và ôn đi ôn lại nhờ việc nhìn bảng số xe đang bon bon trên đường, số nhà, số điện thoại, bánh xe có dạng hình gì, cái bảng hiệu kia con biết là hình gì không… Và trẻ cũng rất thích thú nếu được giao nhiệm vụ khi đi mua sắm cùng bố mẹ, “Giúp mẹ lấy một cái giỏ lớn cho mẹ và một cái giỏ nhỏ cho con nhé!”, “Mẹ cho con mua 2 gói kẹo”…
3. Kể chuyện – đố vui – gây ra tình huống có vấn đề.
Cũng như người lớn, trẻ con dễ dàng nắm bắt thông tin qua một chuyện kể. Vì vậy, bạn hãy trở thành một chuyên gia kể chuyện thông thái trong cách hướng dẫn trẻ yêu thích toán học. Hãy lồng ghép điều bạn muốn dạy con trong một câu chuyện với những tình huống gần gũi với trẻ.
Hôm nay mẹ đi siêu thị, mẹ mua 2 kem dâu và 1 cây kem xoài. Đố con biết mẹ đã mua tất cả mấy cây kem? Sau đó, mẹ đi mua rau quả. Lúc đầu mẹ mua 5 trái dưa leo, nhưng thấy nhiều quá, mẹ bỏ bớt lại 1 trái. Vậy là mẹ mua mấy trái dưa leo con biết không?…
Thỉnh thoảng, bạn hãy đặt ra một số tình huống có vấn đề để kích thích khả năng tư duy, thích ứng, và giải quyết của trẻ. Ngồi vào bàn ăn, bạn cho trẻ thấy thiếu một cái chén dành cho bố, bạn hỏi trẻ xem mình phải làm gì trong tình huống đó. Giúp trẻ hiểu thiếu thì phải thêm vào, và thêm bao nhiêu…
4. Làm gương sẽ giúp con yêu toán
Trẻ con bắt chước rất nhanh, đây là một khả năng giúp trẻ tiếp nhận, làm quen với những điều mới mẻ. Bạn có thể tận dụng điều này để giúp trẻ hứng thú khi tiếp cận với toán. Cho dù bạn là một người không thích toán, nhưng hãy để cho trẻ thấy thái độ tích cực và giúp trẻ tự tin khi hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến toán. Cho trẻ đọc giá tiền trên các sản phẩm, đếm số tiền được trả lại khi đi mua đồ… Hãy chỉ ra tầm quan trọng của toán học trong cuộc sống hàng ngày, vai trò của toán trong các ngành nghề khác nhau….
5. Đồng hành với con trong quá trình học toán.
Việc theo dõi và hướng dẫn trẻ làm bài tập ở nhà sẽ giúp bạn hiểu hơn về năng lực của con, nhận ra những khả năng tích cực, và hiểu được những hạn chế mà trẻ đang cần bạn hỗ trợ để vượt qua. Hướng dẫn con giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra những gợi ý vừa phải, cho phép trẻ làm sai – sửa sai, để có cơ hội hiểu và ghi nhớ vấn đề sâu hơn.
Hãy quan tâm đến chương trình học của trẻ bằng cách trao đổi với giáo viên để nắm bắt lộ trình học tập của trẻ. Khi bạn đã hiểu rõ những thứ trẻ cần, bạn sẽ dễ dàng giám sát tình hình học tập của trẻ. Học toán không dừng lại ở việc hoàn thành bài tập nhưng là giúp trẻ tăng cường khả năng suy nghĩ logic, rèn luyện khả năng tập trung, phân tích, suy luận. Trong những năm đầu tiểu học, khi trẻ có cơ hội rèn luyện những kỹ năng này, trẻ như được trang bị một lợi thế nền tảng để học toán và các môn học khác ở những cấp độ học tiếp theo.
6. Trò chơi tư duy toán học.
Ngoài các loại sách với nội dung phong phú về các chủ đề toán học hỗ trợ trẻ tư duy logic. Bạn có thể khuyến khích và cùng chơi với con những trò chơi như cờ vua, domino, cờ caro, soduko…
Đoàn Nguyên Trân – Founder của VCK. Chuyên gia trong lãnh vực tư vấn can thiệp trẻ đặc biệt: trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói, trẻ bị Down, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ trầm cảm. Và là một chuyên gia trong lãnh vực thính học, với bằng cấp Thạc Sĩ được cấp từ Đại học Flinders University miền nam nước Úc